Đặc điểm nổi bật của phương thức sản xuất châu Á trong xã hội Phương Đông Phương_thức_sản_xuất_châu_Á

Cùng với sự phát triển của quan hệ hàng hóa - tiền tệ, vai trò của chế độ tư hữu cũng gia tăng và tấn công liên tục, phá hoại chế độ công xã. Tuy kinh tế các nước đã có sự giao lưu, liên kết nhưng bản thân kinh tế nội bộ của các nước chưa thống nhất một cách thật sự.

Đặc điểm rất nổi bật và cũng là riêng biệt của xã hội phương Đông khi đối sánh với xã hội phương Tây còn thể hiện chủ yếu ở các điểm sau:

  • Do phát triển từ thời kỳ sản xuất còn ở trình độ thấp kém, nên xã hội phương Đông không thể chuyển biến nhanh chóng lên xã hội chiếm hữu nô lệ. Vì thế, các nước phương Đông không thể trở thành những nước có xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình. Và cũng vì thế, sự biến chuyển sang xã hội phong kiến cũng lu mờ, không thể nhận biết rõ rệt.
  • Sự tồn tại dai dẳng của tổ chức công xã nông thôn, tàn tích của chế độ xã hội thị tộc thời nguyên thủy, sự phát triển yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội phương Đông kéo dài cho đến cả thời cận đại khi bắt đầu giao lưu với phương Tây.
  • Sự tồn tại lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng nô lệ chưa phổ biến trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm địa vị chủ đạo.
  • Sự xuất hiện và phát triển của một hình thức nhà nước đặc biệt, nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền mà đặc trưng chủ yếu là quyền lực vô hạn của vua, quyền sở hữu tối cao về đất đai và dân cư trong cả nước.

Nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của K.Marx và Ph.Engels, đặc biệt là "Hệ tư tưởng Đức" và thư từ của hai ông cho thấy phương thức sản xuất châu Á mang đặc trưng của giai đoạn quá độ từ cộng sản nguyên thủy (sở hữu công cộng) sang nô lệ (sở hữu tư nhân). Nhưng nếu châu Âu thời kỳ quá độ này diễn ra tương đối ngắn thì đối với châu Á, theo Marx ảnh hưởng của nó lại kéo dài một cách dai dẳng rất đặc thù của châu Á. Từ các quá trình tìm hiểu về phương Đông và trải qua nhiều cuộc thảo luận về phương thức sản xuất châu Á. Vì vậy các ông đưa ra các đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á, gồm các đặc trưng sau:

  • Đặc trưng thứ nhất của phương thức sản xuất châu Á: là không có sở hữu tư nhân ruộng đất. Trong thư gửi Engels ngày 2/6/1853, Marx viết: "cơ sở của tất cả những hiện tượng ở phương Đông... là không có chế độ tư hữu về ruộng đất". Trong thư gửi cho Marx ngày 6/6/1853, Engels nhấn mạnh "việc không có chế độ tư hữu ruộng đất quả thật là chìa khoá để hiểu về toàn bộ phương Đông".
  • Đặc trưng thứ hai của phương thức sản xuất châu Á là công xã nông thôn. Marx đã chỉ ra một số đặc điểm của công xã này:
Công xã này tổ chức theo lối gia đình tự cấp tự túc. Do bị trói buộc những xiềng xích nô lệ của các quy tắc cổ truyền, nó hạn chế lý trí của con người trong khuôn khổ chật hẹp và trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín.Những công xã này chủ yếu làm cho con người phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài chứ không nâng con người lên địa vị làm chủ, nó tạo ra sự thờ cúng thiên nhiên một cách thô lỗ mà sự thoái hoá biểu hiện trong việc con người phải thành kính quỳ gối trước con khỉ Hanu và con bò Sabla.Chúng là cơ sở bền vững cho chế độ chuyên chế phương Đông. Theo Marx những công xã đó mang tính chất thụ động, quân bình, ít thay đổi "bất động", "tĩnh", "biệt lập", kéo dài từ những thời hết sức xa xôi cho đến đầu của thế kỷ XX.
  • Đặc trưng thứ ba của phương thức sản xuất châu Á là tính chất không điển hình của các xã hội Phương Đông. Ở Trung Quốc, chế độ nô lệ manh nha từ nhà Ân (1.400 TCN - 1.027 TCN). Đến nhà Tây Chu (1.027- 770 TCN), nhà nước mang tính chất nô lệ ra đời.

Đặc trưng của phương thức sản xuất châu Á là cấu trúc quản lý hình tháp. Về đại thể mỗi giai đoạn của nó tái tạo lại cấu trúc quản lý dưới dạng thu nhỏ của các triều đại trong chính thể. Trong xã hội này có sự phân chia giữa quyền lập pháp và hành pháp, giữa chức năng quản lý dân sự và quân sự, hàng chính và tư pháp. Theo cách nói của Marx thì ở phương Đông đã tồn tại "chỉ có 3 ngành quản lý là cơ quan tài chính hay cơ quan bóc lột dân mình, cơ quan quân sự hay cơ quan cướp bóc dân tộc khác, và cuối cùng là cơ quan về các công trình công cộng".

Các nền văn minh phương Đông vốn là những nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại, sự thống nhất từ sớm của các nước, sự phát triển kinh tế, hưng thịnh văn hóa đã đưa đến một vị trí rực rỡ của phương Đông, tỏa rạng vào lịch sử nhân loại với những thành tựu vượt bậc và chói sáng. Đáng tiếc, các nước đã mau chóng trì trệ, sụt giảm và tụt hậu so với phương Tây về nhiều mặt. Sự tấn công của chủ nghĩa thực dân phương Tây đã giáng một đòn nặng nề vào hệ thống xã hội gần như bất di bất dịch của phương Đông trong thời gian rất dài. Điều này đã dẫn đến sự đổ vỡ của hệ thống xã hội phương Đông, dẫn đến những đổi thay to lớn, làm biến chuyển toàn bộ diện mạo xã hội và lịch sử các nước này.

Tuy là nơi phát nguyên những nền văn minh sớm nhất, những hoạt động kinh tế nhân tạo sớm nhất, những xã hội có giai cấp sớm nhất nhưng phương Đông cũng nhanh chóng rơi vào sự trì trệ, hầu như không thay đổi trong bước tiến hóa của sản xuất và giai cấp trong một thời gian rất dài để rồi mau chóng bị xã hội phương Tây vượt qua.

Đồng thời là sự đấu tranh kịch liệt dẫn đế sự sụp đổ của phương thức sản xuất cũ và sự thay thế của phương thức sản xuất mới. Nhưng điều đó lại rất khó nhận biết trong tình trạng của các nước phương Đông. Sự biến đổi đó là quá chậm rãi cũng như lại không nổi bật lên tính điển hình rõ rệt giữa các phương thức sản xuất với nhau, lại mang những nét đặc biệt của văn hóa phương Đông. Vì thế, nhiều người xếp nó là một thứ phương thức sản xuất rất khác biệt - Phương thức sản xuất châu Á.

Đó là sự bảo tồn dai dẳng công xã nông thôn ở phương Đông, nơi lưu giữ nhưng phong tục tập quán, truyền thống cho nên xã hội phương Đông ít bị biến đổi cho dù các triều đại liên tiếp nhau thay thế trong lịch sử.

Lịch sử rất nhiều điều bí ẩn, vẫn luôn phải được tiếp tục nghiên cứu. Sự hiểu biết về xã hội phương Đông, về phương thức sản xuất châu Á vì thế vẫn chưa toàn diện và tường tận. Tuy vậy có thể rút ra những kết luận về điểm chung trong sự phát triển của các nước phương Đông rằng: giai cấp bị thống trị với đa số dân cư và chủ yếu họ là nông dân là đối tượng bị bóc lột chủ yếu của xã hội. Họ bị ràng buộc vào ruộng đất, bởi vì họ liên hệ chặt chẽ với công xã, họ bị bóc lột tàn khốc, sự bóc lột đó được đảm bảo bởi bộ máy nhà nước chuyên chế của giai cấp thống trị. Số lượng nô lệ không ngừng tăng và mở rộng ra khu vực xưởng thủ công, hầm mỏ, trang viên. Họ chính là nông dân bị phá sản bằng nhiều cách, trong đó chủ yếu là con đường nợ nần. Họ đã phản ứng dữ dội mưu đồ biến họ thành nô lệ bằng những cuộc khởi nghĩa, nhưng kết cục họ cũng chỉ thất bại.

Phương thức sản xuất châu Á không chỉ là vấn đề mà Marx đã đưa ra mà còn là một phạm trù ông và sau đó là nhiều thế hệ nối tiếp đã nghiên cứu. Phương thức sản xuất châu Á là một một phương thức sản xuất riêng biệt khác với mọi lý thuyết tiêu chuẩn của Marx hay không vẫn còn là điều cần làm sáng tỏ. Marx đã nhìn thấy những đặc điểm của phương Đông nhưng chưa thấu hiểu hết do những hạn chế khoa học tư tưởng ở thế kỉ trước. Marx, Engen, Lênin cũng như của các học giả trên thế giới đa số đều có chung quan điểm rằng người ở phương Đông đã trải qua một phương thức sản xuất mà người ta gọi đó là phương thức sản xuất châu Á mặc dù các ý kiến khác biệt và thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Theo quy luật phát triển và tiêu vong của các hình thái kinh tế - xã hội thì các phương thức sản xuất trong đó có phương thức sản xuất châu Á cũng cùng chung số phận. Tuy nhiên phương thức sản xuất châu Á vẫn tồn tại ở hầu hết các quốc gia, nhất là ở các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển, nó đan xen vào các phương thức sản xuất khác làm cho xã hội phương Đông mang những đặc thù riêng so với văn minh phương Tây. Việc tìm hiểu phương thức sản xuất châu Á sẽ giúp ta không chỉ hiểu rõ hơn tiến trình lịch sử con người đã trải qua. Mà qua đó sẽ dự đoán tiến trình tương lai sắp tới, đồng thời phát huy những cái hay cái tích cực, hạn chế thủ tiêu cái cổ hủ, lạc hậu.